Đến huyện Lục Ngạn, người ta có thể dễ dàng thấy những đồi vải trập trùng, quy hoạch gọn gàng. Toàn huyện Lục Ngạn hiện có hơn 200 hợp tác xã (HTX) trồng vải. Theo ông Nguyễn Thế Thi, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, năm nay toàn huyện có hơn 17.000 ha vải thiều, tăng hơn 1600 ha so với năm 2022. Dự kiến mùa vải năm nay được mùa và số lượng thu hoạch trên 98.000 tấn, trong đó sản xuất vải an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (13 200 ha) sẽ có sản lượng khoảng 81300 tấn. Huyện cũng đã hoàn tất việc mã hóa vùng trồng vải (88 mã số) đảm bảo đáp ứng các điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản và Thái Lan.
Năm 2023, vải chính vụ sẽ kéo dài từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7. Trong những ngày chính vụ, các cơ sở thu mua bắt đầu hoạt động. Vải thường được thu hoạch vào buổi chiều hôm trước, nhưng ngay từ mờ sáng, người dân trong vùng đã phải vận chuyển bằng ô tô hoặc xe máy đến các cơ sở thu mua vì vải tươi mới được giá. Lúc này, dọc các con đường ở thị trấn Chũ, đâu đâu cũng được nhuộm đỏ bởi màu của quả vải. Ở thời điểm này, thương lái Trung Quốc cũng đổ về đây khá đông. Họ thuê những đại lí người Việt thu mua sau đó tự vận chuyển về nước.
Trong địa bàn của huyện còn có những cơ sở sơ chế, đóng gói vải thiều trước khi đưa ra cửa khẩu. Thí dụ cơ sở của chị Trần Thị Lịch, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, có khoảng 40 công nhân làm việc. Những chị em phụ nữ được phân công chọn lọc vải, cắt cuống và túm lại thành chùm. Thù lao cho công việc này từ 30.000 - 50.000 đồng/tiếng. Trong khi đó, đội nam thanh niên đóng hàng, chuyển vải lên container nhận tiền công 600.000 - 800.000 đồng/ngày. Theo chị Lịch, công việc thu mua vải bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào khoảng 11h đêm. Vào chính vụ, cơ sở này đóng gói 20 - 30 tấn vải thiều/ngày.
Quy trình đóng gói vải thiều xuất khẩu phải đạt tiêu chuẩn và thực hiện ngay tại tỉnh Bắc Giang. Vải thiều đem xuất khẩu phải trải qua nhiều công đoạn như sơ chế, làm sạch, ngâm vải trong bể đá. Những thùng vải thiều lạnh được đóng thùng hoặc hộp chuyển đến các sân bay hoặc các cửa khẩu.
Giá vải thu mua tại chỗ khoảng 17.000 - 33.000 đồng/kg phụ thuộc vào chất lượng quả và lí lịch chăm bón. Người mua hoặc đặt hàng có thể kiểm tra chất lượng sản phẩm thông qua quy trình sản xuất. Vẫn theo ông Thi (PCT), huyện thường xuyên thanh tra, kiểm tra các mã vùng trồng và mã đóng gói để đảm bảo giữ chữ tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, huyện còn thành lập các tổ công tác thường xuyên kiểm tra, cảnh báo đến các hộ dân không để trộn vải của các vùng khác gắn mã số vải Lục Ngạn.
Vải thiều Lục Ngạn có nguồn gốc từ vải thiều Thanh Hà (Hải Dương). Tuy nhiên, sau hàng chục năm canh tác và chọn giống vải đã đạt chất lượng cao, mùi vị không kém vải Thanh Hà mà hình thức còn đẹp hơn. Vải Lục Ngạn ngày nay có thịt dày hơn, cắn vào có cảm giác ngập nước, ngọt và thơm khiến người ăn muốn “chén” cả cân ngay một lúc.
Trong những năm qua, người Việt tại Ba Lan đã được thưởng thức vải Lục Ngạn. Tuy nhiên, nguồn hàng chủ yếu được người Việt nhập khẩu qua Cộng hòa Séc. Năm nay, giá vải ở các cửa hàng châu Á tại Warszawa dao động từ 55 – 65 zloty/kg (tương đương khoảng 20 USD hay 480 nghìn VND).
Trong một thông báo nhân dịp gặp mặt kiều bào vào dịp tết cổ truyền năm nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã kêu gọi kiều bào từ Ba Lan về Bắc Giang tìm cơ hội đầu tư trong đó có việc xuất khẩu vải sang Ba Lan. Tỉnh Bắc Giang và huyện Lục Ngạn hứa luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho những doanh nhân cùng với Bắc Giang đưa vải thiều sang quê hương Sô panh.
Để chuẩn bị cho việc kinh doanh của mình, bạn có thể thực hiện một tua du lịch về huyện Lục Ngạn, kết hợp trải nghiệm vườn vải với việc tham quan các danh lam thắng cảnh như hồ Cấm Sơn, hồ Khuôn Thần, chùa Am Vãi và núi rừng hùng vĩ của vùng đất này. Các bạn có thể đi theo tua du lịch. Các tua này hiện đang đón khách tham quan, cung cấp các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí cho du khách, kết hợp trải nghiệm vườn vải và tham quan các danh lam thắng cảnh.
Xuân Nguyên (Sưu tầm)
Bình luận