Trong văn hóa Á Đông, chồng sẽ đưa lương cho vợ để quản lý chi tiêu cho cả gia đình. Còn ở Ba Lan, các cặp vợ chồng lại thiên về chia sẻ và đóng góp. Mỗi gia đình lại có một kiểu khác nhau tùy vào hoàn cảnh và sở thích.
Kiểu 1: Ngoài khoản chung chia đôi, ai cũng có quỹ riêng
Karolina: Chồng tôi kiếm được nhiều hơn. Nhưng sau khi trừ đi khoản vay trả góp cho căn hộ mà anh ấy mua trước khi gặp tôi, thì thu nhập của cả hai gần như bằng nhau. Chúng tôi cùng đóng góp vào một quỹ chung tỉ lệ thuận với thu nhập. Cả hai đều đồng ý rằng, nếu ai được tăng lương thì phần đóng góp của người đó cũng phải tăng theo.
Quỹ này dùng để trả tiền điện nước, mua sắm chung, chi tiêu cho con cái. Ngoài ra, mỗi người chúng tôi đều có quỹ riêng và không bao giờ chất vấn nhau cách chi tiêu quỹ này.
Do lạm phát nên đôi khi quỹ chung không đủ và chúng tôi phải tự bỏ tiền túi. Cuối tháng, chúng tôi phải tính lại xem ai nợ ai. Có lúc, người này phải chuyển cho người kia 2,5 zł để bù lại.
Tuy nhiên, có những vấn đề mà chúng tôi cũng 'mắt nhắm mắt mở' cho qua. Ví dụ như trong thời gian nghỉ đẻ, tôi ở nhà và ăn nhiều hơn. Tôi đề nghị rằng tự trả phần ăn thêm bằng tiền của mình nhưng chồng bảo thế là không cần thiết.
Vợ chồng tôi có thói quen quản lý tiền bạc khá minh bạch và công bằng để tránh phải hối tiếc.
Ania: Trước khi cưới, thu nhập của hai vợ chồng đều giống nhau. Mỗi tháng chúng tôi góp một ít vào quỹ chung. Chồng tôi quản lý tài chính trong nhà và lập dự toán chi tiêu trên bảng tính Excel. Gia đình tôi có hai cháu, một khoản vay và còn đang trong quá trình làm nội thất cho căn hộ. Do đó việc kiểm soát số tiền chặt chẽ là rất cần thiết. Trong bảng Excel, chúng tôi theo dõi chi tiết từng hạng mục: bảo dưỡng xe, quà cáp, nhà trẻ, bác sĩ, vân vân theo ngày. Mỗi tháng, chúng tôi cùng nhau ngồi xem 'báo cáo tài chính gia đình' để xem có gì cần điều chỉnh.
Kiểu 2: Đóng góp theo mức lương hay chi tiêu mỗi người
Không ít người phản đối cách chia tiền 50-50. Họ đặt câu hỏi rằng: nếu vợ kiếm được 3.000 còn chồng thì 10.000, tại sao họ phải chia đôi chi phí? Theo quan điểm của nhóm này, như thế là bất công vì người vợ có thể bị 'cháy túi' mỗi tháng trong khi người chồng lại có một khoản dành dụm kha khá. Phụ nữ kể cả khi không có con cũng dễ bị lép vế về mặt lương bổng, đàn ông dễ được tăng lương, tăng chức vì họ không phải mang nặng chuyện con cái.
Michalina: Tôi kiếm được khoảng 3.600 zł sau thuế mỗi tháng, còn chồng tôi kiếm được gấp 5 lần. Chúng tôi không theo dõi chi tiêu bằng Excel hay gì cả. Anh ấy trả tiền mua xăng và hầu hết mọi thứ trong căn hộ. Ví dụ như bộ rèm cửa có giá khoảng 6.000 zł thì tôi góp 200 zł . Tủ quần áo đặt làm hết 13.000 zł thì tôi góp 400 zł. Chi phí mua đồ tạp hóa hàng tháng tôi cũng đóng góp nhưng chắc chắn là thấp hơn một nửa.
Paulina: Bạn trai tôi mua căn hộ và anh ấy phải tự trả hết. Còn tôi thì thanh toán hóa đơn điện, nước. Các khoản sinh hoạt phí còn lại thì chia ra. Ví dụ như ăn uống, anh ấy ăn nhiều hơn nên trả 70%, còn tôi trả 30%.
Izabela J. Kulesza, một nhà tư vấn quản lý ngân sách gia đình, cho rằng: mô hình tốt nhất là cả hai vợ chồng đều có lối sống giống nhau và có cùng số tiền tương đương nhau để chi tiêu cho nhu cầu cá nhân. Theo luật Ba Lan, trừ một số trường hợp thì thông thường, tiền mà vợ hoặc chồng kiếm được phải là của chung. Không thể có chuyện chồng có thu nhập cao hơn thì được mặc đồ đắt tiền, còn vợ kiếm ít hơn thì phải mua sắm tiết kiệm. Do đó, việc đóng góp tỉ lệ thuận với thu nhập từng người, dù tốt hơn chia đôi, chưa chắc đã công bằng.
Kiểu 3: Lập tài khoản nhận lương chung
Agnieszka: Lương của hai vợ chồng đều được chuyển tới cùng một tài khoản. Chúng tôi dùng tài khoản này để trả nợ, điện nước, xăng xe và các sinh hoạt phí khác. Mỗi tháng cả hai cùng góp một ít vào tài khoản tiết kiệm chung. Chúng tôi không theo dõi hay tất toán hàng tháng gì cả. Thi thoảng, tôi sẽ chi vào trăm zł đi làm móng, làm tóc hoặc mua thứ gì cho bản thân. Cũng có lúc, chồng tôi lại tậu vành xe mới. Không ai cảm thấy bị tổn thương hay khó chịu.
Nhà tư vấn Izabela J. Kulesza nhấn mạnh: sự rõ ràng, minh bạch là rất quan trọng. Các cặp đôi nên biết người kia kiếm được bao nhiêu và chi tiêu thế nào. Theo kinh nghiệm của cô, đàn ông coi những câu hỏi ấy là sự 'xâm phạm quyền riêng tư', nhưng các cặp đôi không nên ủng hộ quan điểm này. Bởi về lâu dài, việc giữ bí mật với nhau rất nguy hiểm. Có thể người chồng đem tiền đi đầu tư mà không hỏi ý kiến vợ, để rồi khi thua lỗ, anh ta bỏ đi hay qua đời thì người vợ phải gánh vác khoản nợ ấy.
Ngoài ra, khi lập kế hoạch chi tiêu, cần nghĩ đến cả khả năng người phụ nữ sẽ bị tổn thất tài chính do nghỉ đẻ và sự nghiệp bị gián đoạn.
An Vu
Tổng hợp từ wysokieobcasy.pl
Bình luận