Theo quy định của Quốc hội châu Âu và Hội đồng châu Âu số 1169/2011 ra ngày 25-10-2011 thì các nhà sản xuất có trách nhiệm ghi rõ thông tin về hạn sử dụng, cách bảo quản và giữ an toàn thực phẩm trên nhãn mác. Ở Ba Lan, để ký hiệu hạn dùng của thực phẩm người ta dùng hai cách: cho hạn dùng tối thiểu (data minimalnej trwałości) và hạn còn ăn được (termin przydatności do spożycia). Hai khái niệm này khác nhau và bạn cần hiểu như sau.
Hạn dùng tối thiểu
Người ta hay ghi hạn dùng tối thiểu cho thực phẩm như sau: „tốt nhất nên dùng trước ngày” (tiếng Ba Lan: „najlepiej spożyć przed”, tiếng Anh: best before). Sau thời hạn đó sản phẩm có thể mất dần giá trị nhưng nếu được bảo quản tốt và vỏ bọc chưa bị mở thì nó vẫn sử dụng được. Người ta hay áp dụng hạn dùng tối thiểu cho các thực phẩm có thể để lâu (đồ khô, sấy khô, đông lạnh) như gạo, mỳ, đường, đồ hộp, dầu ăn. Nên lưu ý là các thực phẩm đã qua xử lý cũng hay được ghi là „nên dùng trước ngày...” nhưng không phải mọi thực phẩm có hạn lâu đều không tốt cho sức khỏe.
Các thực phẩm đóng hộp theo cách truyền thống ví dụ như xử lý nhiệt như rau quả hộp có thể để được khá lâu. Bạn nên đọc thành phần và tránh các thực phẩm bảo quản bằng hóa chất, ví dụ như các chất bảo quản từ E200 đến E300.
Hạn còn ăn được
Trên bao bì thời hạn còn ăn được tiếng Ba Lan ghi là „należy spożyć do” (tiếng Anh: use by) rồi ghi rõ ngày. Sau thời hạn này ta tuyệt đối không nên ăn. Loại ký hiệu này người ta dùng cho các thực phẩm không giữ được lâu như trứng, cá, jogurt.
Cách bảo quản
Bất kể thực phẩn bạn mua có ký hiệu nào trong hai thứ nói trên, bạn phải tuân thủ đúng cách bảo quản thực phẩm ghi trên nhãn mác, ví dụ như họ đề: bảo quản trong tủ lạnh („przechowywać w lodówce”), bảo quản ở chỗ khô và mát („przechowywać w suchym i chłodnym miejscu”). Việc cần làm sau khi mở gói ra cũng quan trọng, ví dụ: phải ăn trong vòng ba ngày („należy zużyć w ciągu trzech dni”), bởi vì ngay các thực phẩm có hạn dài sau khi mở ra cũng chóng bị hỏng.
Thực phẩm không có hạn
Với các thực phẩm không có ghi hạn như hoa quả tươi và rau không ghi hạn thì ta tự quyết định, nhưng nguyên tắc quan trọng nhất là vứt ngay những gì mình cảm thấy nghi ngờ. Hoa quả dập, có vết đen? Cho ngay vào sọt rác! Dấu hiệu nấm mốc bên ngoài chỉ là „phần nổi của tảng băng chìm” mà thôi. Cái ta nhìn thấy chỉ là biểu hiện trông thấy bên ngoài, còn mốc đã ăn sâu vào lõi rồi.
Khi đi mua thực phẩm
Nên đặc biệt lưu tâm đến thực phẩm tươi và cố chọn, ví dụ sữa chua hay jogurt còn hạn ăn lâu nhất. Khi mua hãy chọn những thứ để sâu bên trong quầy vì ở đấy nó được giữ lạnh nhất. Ngoài ra chủ các cửa hàng hay xếp các hàng hạn dùng ngắn nhất ở bên ngoài để bán chúng nhanh hơn.
Cuối cùng thì bất kể hạn ghi bên ngoài ra sao, trước hết bạn hãy tin vào các giác quan của mình: ngửi, ngắm và nếm vẫn là tốt nhất. Ngay cả các sản phẩm tốt nhất cũng có thể bị hỏng do bảo quản hay chuyên chở không đúng cách.
NHV (theo Gotujmy.pl)
Bình luận