Tưởng nhớ nhà thơ Lê Nhị Hồng!
Tôi quen biết nhà thơ Lê Nhị Hồng( LNH) từ những ngày đầu khi mới đặt chân lên thành phố biển Gdansk. Hồi đấy, những lưu học sinh, nghiên cứu sinh và thực tập sinh đều ở tập trung trong ký túc xá sinh viên, của trường Đại học Bách khoa Gdansk. Đấy là những năm tháng quây quần, chúng tôi vẫn thường gặp mặt nhau, những năm 89-90 của thế kỷ trước. Còn nhớ những buổi chiều, sau khi ăn xong, anh LNH hay xuống phòng gia đình tôi, chơi đùa cùng hai đứa nhỏ. Tôi cũng chưa biết nhiều về anh, về hoàn cảnh của anh, nhưng với cách nói chuyện hóm hỉnh lại thêm những câu chuyện anh tưởng tượng ra để trêu chọc hai đứa bé. Những câu chuyện vừa vui, vừa châm chọc của anh đã làm các cháu cãi lý sự với bác đến độ vừa mếu máo, vừa hăng để giành phần thắng về mình của bọn nhỏ, đấy chính là những ký ức về anh không thể nào quên dù đã gần 30 năm trôi qua. Nói vậy để hình dung ngày thường anh rất vui vẻ, nhất là có chút bia rượu vào thì trên khuôn mặt có chút khắc khổ của anh đã rạng rỡ vui cười cùng các chuyện tiếu lâm.
Sau này anh chuyển về Vac-sa-va, rồi anh tham gia sáng lập tờ Báo Quê Việt (tờ báo gắn bó với người Việt 18 năm nay). Tôi mới biết anh là người tài hoa đến thế. Không những anh nổi tiếng thông minh, học giỏi mà còn làm thơ, viết bài rất sâu sắc. Trong thơ anh tôi đọc được tâm trạng của riêng anh, tâm trạng chung của người xa xứ, và cũng vì thế tôi biết nhiều hơn về cuộc đời bất hạnh, éo le của anh sau khi vợ anh bị tai nạn giao thông, trên đường đi làm về...Rồi anh trở về Việt Nam, tôi cũng bận rộn nên không có dịp gặp lại anh. Mãi cách đây hai năm, biết tin anh vừa thoát lưỡi hái tử thần trong một trận ốm nặng. Anh LNH quay lại Ba Lan, vậy là mấy anh em hẹn gặp nhau tại nhà hàng Vân Bỉnh (Vac-sa-va). Anh gầy gò, ốm yếu, nhưng vẫn nhớ đến từng chi tiết nhỏ hồi ở Gdansk.
... Thế rồi anh LNH cũng rời bỏ thế gian này sau những chống chọi với bệnh tật. Tôi ngồi tưởng nhớ về anh qua các tập thơ của anh đã in:" Tiếng đàn đêm"( Quê Việt xuất bản 2003) và" Tia sáng nửa đêm"( Nhà xuất bản văn học 2011). Trong đấy, có những bài thơ đọc xong không cầm nổi nước mắt, bởi tôi không thể ngờ ngoài cái vẻ cởi mở, ngoài những câu nói hóm hỉnh hàng ngày, thì trong anh, tận đáy lòng là nỗi đau mất mát không gì bù đắp được. Đấy là nỗi day dứt khôn ngoai về sự ra đi đột ngột của vợ anh, chị để lại cho anh đứa con trai thơ dại...Có thể, anh cảm thấy có lỗi với chị, nên anh đã dành cả quãng đời còn lại cho con trong cảnh" Gà trống nuôi con". Nét riêng của thơ anh LNH khi viết về vợ là các bài thơ ngoài dãi bày tâm sự, còn có cả những giọt nước mắt nóng hổi của đàn ông trong đấy. Những giọt nước mắt đấy chính là từng câu chữ ngắn, dài cứ chảy vào cảm xúc người đọc. Các bài thơ Tâm sự với em, Ru em, Sao đêm, Chuỗi hạt.v.v.v...là một trong những bài thơ hết sức cảm động. Trong bài "Tâm sự với em" có những hình ảnh sau:
"Sinh nhật Em
Lần thứ hai xa vắng
Trời đêm nay xa vắng. Lác đác những vì sao
Buồn sâu lắng. Chín tầng mây lặng ngắt...
Rượu không còn một giọt để say
Cho ảo ảnh đừng dày vò nỗi nhớ...
Em ở chốn nào? Em hỡi, đi đâu?...
Đêm nay em có về bên con trong giấc ngủ
có thấy nước mắt anh bên gối vòng quanh?..."
Ngày sinh của vợ, người đàn ông cô đơn đã uống cạn giọt sau cùng để che lấp khoảng trống dù biết vợ đã ra đi. Thay vì ngủ vùi cho quên sự đời thì hồn thơ lại ngơ ngác nhìn trời, nhìn sao, nhìn chín tầng mây và ao ước dấu trái tim mình vào các vì sao xa lắc xa lơ. Trong thơ, có tâm trạng chán sống muốn đi cùng chị, nhưng trách nhiệm làm cha nên anh ở lại:
"...Hơn một năm rồi em có hiểu cho anh
Mỗi đêm xuống là một niềm u uất
Không thể rời thế gian này bộn bề vật chất
Bởi con chúng mình cần có một người cha..."
Bài thơ "Ru em", ngoài tâm trạng một mình ngắm biển khi bình minh chưa rạng và đứa con thơ đang ngủ vùi là những ao ước hết sức đơn sơ nhưng không bao giờ thực hiện được. Bài thơ nhắc chúng ta hãy trân quý những gì bình dị quanh mình.
" Đã bao lần anh muốn cùng em
ngắm mặt trời mọc lên từ biển
một ước mơ nhỏ nhoi
nhưng không bao giờ anh thực hiện
Em đã đi xa rồi. Mặt trời đã khuất sau lưng em...
Em hãy ngủ yên, em hãy ngủ yên
Sóng biển sẽ ru em muôn đời lặng lẽ
Cho anh gửi trong lời ru em nhé
Tất cả yêu thương, tất cả tấm lòng anh"
Dù rằng đã quá muộn những gì anh muốn nói với chị, nhưng đọc thơ anh LNH, cũng phần nào biết được nỗi ân hận và tự trách mình trong đó. Bài này mang tính nhân văn rất cao, bởi thơ anh không chỉ là dành riêng cho anh, dành riêng cho chị mà nó còn như viết cho cả chúng ta.
Viết về nỗi buồn của mình, anh LNH có lối viết độc thoại. Các bài có tính lô gich và có mở có kết. Chính vì thế không thể đòi hỏi các bài ngắn hơn bởi cảm xúc đang tuôn trào. Tuy nhiên cũng có bài ngắn, nhưng đọc cũng thấy chan chứa nhớ nhung:
" Trong mơ anh gọi tên em
Giật mình tỉnh giấc sao đêm đầy trời
Sao nào là của em tôi
Sao nào là của lẻ loi chính mình?"
(Sao đêm)
Tiễn biệt anh, tôi muốn mượn bài thơ anh viết khi viếng hương hồn Mẹ anh, bài thơ mang tựa đề "Về cõi hư vô"
"Mẹ ơi, hết một kiếp người
Mẹ ơi, hết một cuộc đời lao đao
Bây chừ mây thẳm trời cao
Giang vòng tay đón Mẹ vào hư vô"
(Sau ngày mất Mẹ, 24-9 Đinh Hợi)
Mong rằng nhà thơ cũng vậy. Từ bỏ cõi tạm đầy lao đao, khổ sở để về chốn hư vô như mẹ nhà thơ. Mong rằng ở nơi đấy, nhà thơ LNH sẽ được gặp vợ mình sau gần 35 năm âm dương cách biệt. Đúng như nguyện ước của nhà thơ khi còn sống:
..." Cho đến một ngày kia khi trái tim anh ngừng đập
Ta sẽ trở về bên nhau bất tận yêu thương."
(Tâm sự với em)
Cho dù có phải đi xa, nhưng sự đi xa này hình như là sự giải thoát cho những câu thơ buồn đầy nước mắt của anh. Đọc thơ anh, chia sẻ cùng anh và đồng cảm với những gì cuộc đời anh trải qua, nhiều khi cảm giác như những bế tắc cứ đeo bám kể cả trong giấc ngủ của anh cùng nỗi buồn luôn thức trong anh...Và thơ anh ở lại như minh chứng cho tình yêu của anh dành cho vợ mình dù đã rất lâu rồi chỉ còn trong tưởng tượng...!
Vac- sa -va, 16/4/2017
Nguyễn Mai Lê
Nhà thơ Nhị Hồng (bên phải) cùng vợ chồng tác giả bài viết Nguyễn Mai Lê (Ảnh chụp ngày 19-08-2015 tại nhà hàng Vân Bỉnh - Warszawa )
Bình luận