2019-02-11 22:29:57

Thơ - Vi Thùy Linh

Vi Thùy Linh

Tôi vẫn yêu một người Ba Lan


Đừng hỏi vì sao trái tim ta tình bẩm sinh

Yêu, thương rung động không giảm đi, sau những tổn thương, thất thoát

Dù đã chịu đớn đau, vẫn giữ mình không cỗi lỳ, hờ hững

Nên chớ thắc mắc nàng:

Yêu Pháp rồi, sao lại nhớ Ba Lan?

Hầu như không ngày nào không gặp người đàn ông ấy

Tóc quăn bồng, mắt đăm đắm suy tư

Không gian 4 chiều chạy khuông nhạc Chopin(1)

Tôi đã ở bên ông, trong nghĩa trang Père - Lachaise(2)

Tôi đã thành kính nắm lấy, hôn những ngón tay ông trong vườn nhà thơ ấu

Chopin không cất tiếng

Chỉ dương cầm buồn, thánh thót lan ngân

Mỗi mùa Đông, lại thêm số năm xa Warszawa

Nhớ xứ sở của âm nhạc, thi ca, giai nhân nức tiếng

Hồi hồi chuông nhà thờ vọng mãi, đâu cần đợi Noel

Đành giảm ngóng mong bằng hình ảnh, tin tức tivi

Hội nghị Cop 24 chống biến đổi khí hậu toàn cầu họp ngày tuyết trắng

Đành thử nâng thân theo cú nhảy cao của một nhà thơ tới Warszawa tháng

Chín

Nghìn khoảnh khắc tôi hình dung mình đồng hành Trần Hữu Việt

Cung Văn hóa Khoa học uy nghi qua thế kỷ

Đường ánh sáng nhiệm màu cổ thành gạch đỏ đường đá đen

Rừng phong treo lá lửa mùa Đông

Mọi tương phản, đối chọi lặng yên trước cây thông Giáng sinh khổng lồ

chăng đèn tím

Nơi các thánh đường, chưa lúc nào vắng con chiên

Còn bí tích nào cho một tuyệt đối niềm tin

Hằng ngày, tôi thanh tẩy mình bằng nỗi nhớ Ba Lan

Đắm miền thanh bình, thánh thiện

Bằng Chopin, tôi đến...

1.2019

(1), (2): Frédéric Chopin 1810 - 1849, sinh ra và lớn lên tại Ba Lan, nổi tiếng tại Pháp. Ông an nghỉ trong nghĩa trang danh nhân Père - Lachaise, quận 20, Paris.

Tượng nhạc sĩ Chopin tại Warszawa



Lời thầm thì ở Warszawa


Những bồn hoa cố định, di động khắp nơi, ú òa cả góc ngoặt bất ngờ

Hồng đỏ, hồng bạch, hồng vàng, cúc vàng, cúc tím

Lướt vào má người nghiêng mình bước từ ngõ Thánh Jean ra phố cũ

Má còn ấm giọt giọt nước mắt

Thương Ba Lan, kinh ngạc về sức mạnh Ba Lan

Cỗ song mã dừng trước Nhà thờ

Gà xà ích ngồi ghế cao mũ ngù, áo đỏ, yên cương hoa đỏ

Chuyến xe chở khách du lịch dạo chơi, vó ngựa gõ vào thế kỷ

Chỉ mặt đường đá đen của trăm năm, còn lại

Đây là Warszawa thứ hai, xây lại sau Thế chiến II

Sau tội ác man rợ của phát xít Đức không thể xóa mờ bằng thời gian, sự độ

lượng, vẻ cố ý làm ngơ hay tránh không nhắc đến

Máu còn ánh sắc tường thành, quảng trường gạch đỏ

Máu truyền sức sống mới cho cỏ cây, người, thành phố Warszawa trong trắng

tuyết bay

Tách trà đen đặc, nóng sực trung tâm tấp nập màu da mái tóc

Ôi, thiếu nữ Ba Lan thánh thiện và đẹp quá!

Đâu cần chờ ngày hội tháng Sáu, chỉ 2 đêm dài 23 - 24, được tụ hội, nhảy

múa, hát ca

Sao có thể phí thời gian vì ngủ

Đêm tháng 12, tháng 1 đều là đêm trắng

Hít sâu oxy âm nhạc, thi ca

Đàn bồ câu giống phố già u ẩn

Tôi muốn cô đơn để nghe Chopin, đọc Szymborska (*)

Warszawa yêu kiều, kiêu hãnh của ta

Sông Mẹ Wisla ngân mãi tình dân tộc

Sông chảy suốt Ba Lan, như lòng Mẹ

Sông phẳng lặng vắt trong, sau những thương tổn, hiến dâng trọn vẹn

Sóng vỗ về chính mình và tất cả

Wisla Wisla Wisla Wisla...

1.2019

(*): Nữ sĩ Wislawa Szymborzka (1923 - 2012), giải Nobel về thơ năm 1996

Wislawa Szymborzka


VI THÙY LINH

Tháng 01/2019

Sửa lần cuối 2019-02-16 20:05:23

Bình luận

Bình luận qua Facebook