2014-11-12 11:24:48

Ai bảo đi "Tây" là sướng! Phần 2- Phút chia tay để đi " Tây"

        Ngày cầm hộ chiếu có viza vào Balan và tấm vé máy bay trong tay. Thắm- cô gái chưa đầy 30 tuổi, mái tóc dài và dày luôn búi gọn trên đầu. Nước da trắng hồng, và khuôn mặt dễ ưa duyên dáng. Thân hình cao ráo, vẫn giữ được dáng dấp thắt đáy lưng ong. Nhìn vào ai nghĩ là gái ba con và đã từng khổ sở, vất vả vì công việc và vì gia đình. Những tưởng chị sẽ vỡ oà sung sướng, nụ cười hiếm hoi sẽ làm chị trẻ lại. Nhưng không! Lại những ngày khóc lóc dằn vặt. Là giọt nước mắt lo lắng chia ly. Là không biết gì đang đón đợi, là bỏ lại sau lưng đàn con dại, là tất cả- kể cả tiếng đay nghiến đêm ngày... 

     Bữa cơm nhỏ, gọi là chia tay, lần đầu tiên chị thấy được mọi người quan tâm. Mẹ chồng gắp lên bát chị miếng trứng vịt rán vàng, thơm ngát. Lần đầu tiên chị cảm động suýt đánh rơi bát cơm, miệng không nói lên lời:- Con cảm ơn mẹ! Chẳng hiểu sao cả hai người đều khóc. Chị khóc vì hình như thành thói quen, hạt cơm có vị mặn nước mắt mình. Lần này duy nhất là nước mắt cảm động. Chị khóc vì mang ơn bà đã chấp nhận cho chị thực hiện mơ ước của mình. Mẹ chồng khóc vì có chút hối hận và có chút thương cảm mẹ của mấy đứa cháu nội, của thằng cháu đích tôn, sắp một mình đơn độc ở cái xứ bà chẳng nhớ nổi tên. Lũ trẻ hồn nhiên hơn, cứ dặn mẹ hễ có tiền nhớ mua quà gửi về. Con gái thích áo quần đẹp, con trai chỉ thích súng ống và xe ô tô. Chị gật đầu qua làn nước mắt. Muốn ôm con trọn vẹn đêm tối cuối cùng ở nhà. Chồng chị không nói nửa lời, ăn vội vài bát cơm và đứng dậy. Không khí chẳng ra vui, chẳng ra buồn. Cũng phải thôi, chưa ai trải qua tâm trạng thế này... Đêm chia tay chị ngủ cùng ba đứa con, chị thao thức hết nằm xuống lại ngồi lên, lúc nhìn sang phải, lúc nhìn sang trái. Dưới ánh trăng mờ hắt từ ô cửa sổ vào, các con chị đang ngủ ngon lành. Nhìn bộ mặt trẻ thơ, với nét hồn nhiên chị cảm thấy lũ  trẻ như các thiên sứ được phái xuống nâng đỡ chị. Cảm giác ấm áp và hạnh phúc lan toả từng chân tơ kẽ tóc. Chị cứ ngồi vậy và thấy thời gian trôi quá nhanh. Từng giây, từng phút, từng giờ... Chị sắp xa con thật sao? Gần sáng anh vào nói khẽ: - Đi thôi! Kẻo bọn nhỏ dậy lại bịn rịn không đi nổi! Chị cúi xuống hôn lên trán các con với dòng lệ chan chứa yêu thương. Chị thì thầm: - Mẹ xin lỗi, mẹ bỏ các con ra đi, mẹ không muốn nhưng vì các con mẹ sẽ vượt qua tất cả. Cho dù tàn hơi kiệt sức. Hãy ngoan nhé các con! Đấy là những gì có thể nói lúc chia ly...Bố mẹ chồng chắc cũng hồi hộp không ngủ được, nên khi tiếng kẹt cửa vang nhẹ, ông bà đã bước vội ra sân. Câu dặn dò nhớ giữ gìn sức khoẻ và chăm liên lạc về nhà được nhắc đi, nhắc lại. Chị bỗng thấy người đàn bà già yếu đứng trước mặt mình không phải là nỗi sợ sệt và kinh hoàng nữa. Bà giờ thật nhỏ bé, yếu ớt trước những cơn gió mùa, trước những bệnh ho hen, đau xương khớp. Lòng chị quặn thắt lại, muốn ôm lấy bà, muốn lại được bà rầy la.  

     Con tàu đưa anh chị lên Hà Nội. Chị về khu nhà độc thân của trường dành cho anh. Đây là lần thứ hai chị bước vào, lần đầu là lúc anh đưa chị lên Đại Sứ Quán Balan để họ phỏng vấn. Cảm giác nhà quê lên thành phố chị mãi không quên. Trước khi đi anh dẫn chị vào cửa hàng bảo chị sắm cái quần âu, cái áo sơ mi cho lịch sự. Chị ở nhà, quần thâm, áo nâu sồng lam lũ đã quen. Giờ xỏ chân vào cái quần cứng như mo nan, lúng ta lúng túng. Khi đứng trước gương, chị đã giật mình và đỏ mặt. Hình như không phải là chị, cái cô gái trong gương không thể là chị. Trẻ trung, tân thời và hết sức bắt mắt...Anh cũng sững sờ giây lát khi lần đầu thấy chị ăn mặc kiểu thành phố. Chị đọc được trong anh nỗi lo ngại nếu chị nhàn rỗi, chịu ăn diện, biết đâu chị như cái xe Peugeot của Pháp, mới cứng dựng ở bờ Hồ quên khoá.! Lần này, với cái túi xách và mấy bộ quần áo mới. Chút ít đồ dùng cá nhân và mấy chục đô lẻ( tất cả là do chú họ gửi về và căn dặn kỹ lưỡng). Chị có vẻ tự tin hơn khi vào chỗ anh ở. Bạn bè cùng dãy tập thể hình như cũng biết rõ sự kiện này. Chỉ mấy phút, căn phòng hơn chục mét vuông đã kín người. Ai cũng trầm trồ khen chị, và không ngớt lời chúc chị " thượng lộ bình an". Chị lại rưng rưng nước mắt. Thay vì nói " cảm ơn", chị cứ lắp bắp" không dám, không dám" thật quê mùa. Sau này nghĩ lại chị thấy xấu hổ, ô hay, họ chúc mình điều tốt đẹp sao mình cứ" không dám", thế hoá ra mình không nhận hay sao? Anh tất tưởi pha nước mời khách, nhìn anh chị biết anh không vui. Bộ mặt cười xã giao trông như mếu, thật tội. Chị lại thấy nao lòng, giống như mình đã làm điều gì tội lỗi! Bữa cơm trưa gọi là chia tay với chồng khá tươm. Mấy cô giáo trẻ đi chợ mua con cá mè, ít rau sống, rau thơm. Nồi canh chua và rau xanh được các cô bày thật đẹp mẳt. Chị ngày thường nhanh nhẹn là vậy, hôm nay sao cứ lóng nga lóng ngóng. Sờ gì đổ nấy, xới bát cơm chẳng xong. Chị cầm bát đũa mà không nuốt nổi, cổ họng nghèn nghẹn, nhớ con, nhớ nhà, nhớ cả cái lườm nguýt và lời cạnh khoé của mẹ chồng...

     Chiều, anh và vài người bạn gọi taxi đưa chị lên sân bay Nội Bài. Lần đầu tiên chị nhìn thấy cái nhà to đến thế. Mà ai cũng diện, trên xe " thồ" là va li to, nhỏ thoang thoảng mùi nhà giàu. Riêng chị, chân vẫn đôi dép lê mới, tay mỗi cái túi du lịch nhỏ và cái túi học sinh vẫn đến trường, hết sức đơn giản. Anh hớt hải chạy chỗ nọ chỗ kia, tay cầm cái vé để nhờ giúp đỡ. Anh hãi nhất lỡ chuyến bay, mất cả ngàn đô chứ ít đâu. Mà chị cũng ong cả đầu không biết sao vé gì mà đắt thế. Có dễ chị làm ruộng cả năm cũng không mua nổi. Chị chẳng biết đô la là gì. Chỉ biết nó rất giá trị, thứ không đi " Tây" chắc chị không biết là tiền! Mọi thủ tục coi như xong, anh dúi vào tay chị cái vé, bảo nhớ cho vào cái túi nhỏ đeo ở cổ cùng với hộ chiếu. Chị làm theo mà tay run lẩy bẩy. May quá cuối cùng cũng túm được một bác đi sang Balan, anh chị như vớ được bảo bối, chị bám chặt như đứa bé sợ lạc mẹ. Anh thở phào nhẹ nhõm...

     Khi vào khu vực " cách ly", anh đứng ngoài dẫy hàng rào nhìn vào, chị ở trong nhìn ra. Chị cứ nhùng nhằng, tay níu áo bác đi cùng, đầu ngoái lại, nước mắt lưng tròng hướng về anh. Chị chẳng biết bằng cách nào chị cũng xong hết thủ tục. Khám người, khám túi xách tay, khám cả cái ví nhỏ lủng lẳng ở cổ và bị hỏi ở đâu ra mấy chục đô la? Chị không nhớ chị nói những gì với họ. Sau cùng chị cũng bước qua khu vực vạch vàng của biên phòng. Người đi cùng giải thích, qua khỏi vạch vàng là chị đã đứng ở biên giới rồi, không quay trở lại được nữa. Chị bỗng tối tăm mặt mũi, muốn nhao ra ngoài, chị sực nhớ có rất nhiều điều cần nói mà chưa nói được với anh, nhưng đã muộn, chị chới với đi vào. Lúc này chị mới biết, con đường đi " Tây" dài đằng đẵng và xa cách nghìn trùng cỡ nào!...Giá như... Giá như  quay trở lại... Chị sẽ chọn thế nào? Không! không thể không đi. Chị phải đi vì những đứa con thân yêu của chị. Vì sự tận tâm của chồng. Chị phải ra đi...!

        Vacsava - 07/11/2014

    ( Còn nữa) 

        Nguyễn Mai Lê

Sửa lần cuối 2014-11-12 10:24:48

Bình luận

Bình luận qua Facebook