2014-12-05 20:20:12

Ai bảo đi"Tây" là sướng! Phần 8- Đồng tiền từ buôn bán chợ lẻ


     Không thể so sánh được nỗi khổ, nỗi vất vả của nghề này với nghề kia. Làm quán có cái khổ của làm quán. Giờ chị đi bán chợ lẻ mới thấy cái cực của chợ lẻ. Chẳng có ai bắt buộc, chẳng có ai quản lý vậy mà khi bước chân vào lĩnh vực này, chị lại thấy như mình đã đặt chân vào guồng quay, cứ vậy tự mình bị lôi theo. 

    Chị đã về bán ở đây được gần năm rưỡi. Những bỡ ngỡ bạn đầu giờ không còn nữa. Chị đã thông thạo giá cả mua vào, bán ra. Chị đã biết các câu chào hỏi khi gặp khách. Những từ thông thường như màu sắc, kích cỡ, giá cả, mời chào...thậm chí cả các câu khen nịnh khách khi họ mặc thử quần, áo, cứ nghe rồi nhớ, lâu dần tích lại trong đầu chị, chẳng qua trường lớp nào. Các mặt hàng trên quầy của chị cũng phong phú hơn. Chị chuyên về bán hàng vải. 

     Người dìu dắt và giúp đỡ chị nhiều nhất chính là vợ chồng cô chú: Lan- Vân(bạn của chú Đức chị). Ngay những ngày đầu họ đã san sẻ hàng, hướng dẫn và thuê ki ốt cho chị có chỗ bán hàng. Chị được quan tâm như người cháu ruột thịt, vì vậy lần nữa chị ghi tạc ơn nghĩa vào lòng mình. Chị cảm thấy mình cực kỳ may mắn, có thể do chị"ở hiền gặp lành" chăng? Thỉnh thoảng chị lại sang nhà cô chú chơi với bọn trẻ. Qua câu chuyện chị biết cô chú sang đây ngót nghét 15 năm. Chị nhẩm tính, vậy là vào những năm đầu 90, của thế kỷ trước. Con trai của họ năm nay 17 tuổi, cô con gái 14 tuổi. Bọn trẻ nói tiếng Balan như gió. Tiếng Việt chúng nó cũng biết nhưng hình như không sõi bằng tiếng Balan, vì trong một câu lúc nào cũng có hơn nửa câu chị không biết bọn nó nói gì. Chị hàng ngày nhớ con lại nhìn hai đứa và hình dung con chị đã cao lớn thế nào. Thấm thoắt cũng đã gần 6 năm chị xa con. Cái Tâm giờ đã 14 tuổi, chắc ra dáng thiếu nữ, sắp vào học cấp 3 rồi cơ đấy. Cái Tú 12 tuổi, không biết có phổng phao hay vẫn còi cọc, nó học cấp 2, chồng chị bảo nó rất giỏi văn. Chẳng thế nó viết thư cho mẹ, lần nào đọc chị cũng khóc có khi cả tuần. Thằng Đạt( chị hay gọi thằng quý tử) cũng lên 8 tuổi. Anh bảo nó nghịch và phá phách lắm. Chắc năm tới phải cho lên ở cùng bố để kèm cặp. Bố mẹ hai bên nội, ngoại nhờ Trời cũng chỉ ốm vặt- bệnh của người già... Dự kiến hết 5 năm chị về thăm nhà không thực hiện được, vì bao biến cố xảy ra. Hơn nữa được đồng nào chị gửi về nhà hết nên khi tính chuyện về thăm nhà, chị lại ngồi nhẩm xem chi phí hết bao nhiêu. Chi li, tiết kiệm  cũng phải có năm ngàn đô trong tay mới đủ tiền vé, tiền kẹo bánh, quà cáp và cả tiền biếu mọi người nữa, vì"đi Tây" về chứ có phải thường đâu! Vậy là có khi đi đứt cả năm quần quật. Tính đi, tính lại, vợ chồng bảo nhau thôi rốn vài năm nữa, dồn tiền nuôi con ăn học. Mà khổ nỗi, nhà chị cứ như"thùng không đáy" bằng ấy năm chị chẳng giữ đồng nào, vậy mà ở nhà lúc nào cũng bảo lúc cần cho việc này, lúc cần cho việc khác. Chị nghe anh nói khoản nào cũng hợp lý, với lại anh quyết chỉ có đúng, chị còn lăn tăn gì nữa!!!

  Ảnh minh họa.

Sống ở tỉnh lẻ hình như ai cũng giàu lòng thương người hơn. Cũng có thể do sáng tối, gió mưa, bão tuyết, mọi người đều hứng chịu như nhau. Chẳng thế gần như mọi người hay tâm sự thật lòng, chuyện đông tây kim cổ nhà mình cho người khác nghe. Nhất là lúc lễ tết, hay có giỗ nhà nào, thì gần như cả chợ hôm ấy đều biết và mua lễ đến thắp hương, rì rầm khấn vái. Chị thấy ở chốn tha phương này, lòng mình cũng ấm áp lên. Nỗi nhớ quê hương phần nào được chia sẻ. Cuộc sống tuy vất vả, cũng nhiều lúc bon chen, nhưng xét cho cùng ai cũng vì mục đích kiếm tiền cho gia đình mình, nên chị ít khi để tâm đến các điều vụn vặt. Chị rất hài lòng với những gì mình đang có.  

   Thành phố chị đang ở, nằm về phía bắc, ngay gần biển. Những ngày hè nóng, khách du lịch rất đông. Việc buôn bán hàng vặt vì vậy cũng khá lên. Chị chịu khó mời chào, đi sớm về muộn nên cũng thu hoạch khá. Gọi là chợ lẻ, tuy không to, rộng như chợ Sân vận động trên Vác, nhưng so với chợ quê chị cũng rất to. Ở đây chủ yếu người Balan bán các thứ về thực phẩm như các loại thịt, cá, rau, hoa quả... Một số kinh doanh hàng quần áo, dày dép. Còn lại rất đông người Ácmeni, Rumani, Nga... Có khoảng hơn chục ki ốt của người Việt. Chợ họp từ tờ mờ sáng, đối tượng chủ yếu là các ông bà già đi mua hàng vặt, các gia đình mua thức ăn. Đông nhất là thứ 7 và chủ nhật. Chợ đông vui như sắp có lễ lớn. Cả gia đình bố mẹ, con cái dắt díu nhau, đi xem, đi mua, thử áo, thử quần. Đặc biệt những khi vừa đến kỳ lĩnh lương, họ mua bán rất thoáng và ít cò kè. Chị cũng dậy từ 5 giờ sáng, ăn bát mỳ tôm, uống cốc chè nóng, thong dong ra mở ki ốt. Đều đặn, nắng cũng như mưa. Mùa hè rất lý tưởng, việc đứng cả ngày tận tối chẳng sao. Mùa đông hầu như đứng giữa tuyết lạnh vì ki ốt ngoài trời chẳng có mái che. Chị vì vậy như ngâm mình trong tuyết, lạnh từ trong ruột lạnh ra. Mặt mũi đỏ ửng, hai tay tê dại mặc dù đã đeo găng tay, chân đi đôi ủng lót lông, không quên độn thêm ít giấy báo, ngoài cùng bọc thêm ni lông cho giữ nhiệt. Vậy mà nhiều hôm âm dưới 20 độ không sao chịu nổi, kèm theo tuyết ngập ngang đầu gối, lạnh táp vào mặt. Vì muốn tăng diện tích bày hàng và tiếp xúc mời chào khách, mọi người thường trải thêm giường xếp bằng bạt ra phía ngoài, do thế tiếng là có ki ốt mà như không, vẫn phải"chân đạp đất, đầu đội trời"trong tuyết...Chị không bao giờ kể cho anh nghe, chị sợ anh bắt chị về thì ai lo tiền cho con ăn học. Cứ vậy suốt mùa đông, chị như lũ quạ đen cần mẫn nhặt từng đồng lẻ từ đôi găng tay, đến cái xịp nam,nữ... Chị đã trả hết tiền nợ cho chú, tiền chú đóng hộ thuế của công ty, mỗi tháng khoảng 300 đô, chị gửi trả đều đặn. Những dịp có ai đi Vác chị mua ít quà bánh gửi lên như tính cách của người quê chị, nhằm biểu lộ tấm lòng biết ơn. Nhiều lần mọi người bảo:" Hay chị rủ anh sang đây, hai vợ chồng chịu khó lấy vài năm. Gửi con nhờ hai bên nội ngoại trông, chứ thấy chị đơn độc vất vả, biết lúc nào đủ tiền như ý". Chị cũng  từng ướm thử, nhưng anh quát nhặng lên, nào là đang làm nhà nước, đang có tý chức, ai lại bỏ đi buôn. Nào là để con ai lo, nhất là thằng Đạt, bé tý nó hư hỏng có mà mất giống, ...nào là... nào là... Chị nghe thấy anh nói gì cũng đúng nên thôi. 

    Rất nhiểu lần cô Lan, nhân lúc vắng chú Vân đã thổ lộ:  

    - Thắm này! Cô coi cháu như con cháu trong gia đình. Cô bảo thật, cháu cũng nên biết nghĩ cho bản thân. Phụ nữ chân yếu tay mềm, phải có đàn ông dựa dẫm và kiếm tiền. Ai đời, đi bằng ấy năm chẳng có đồng xu dính túi. Ít ra cũng để lại tý tiền phòng thân. Việc buôn bán vất vả phải kể cho chồng nó biết, đứa có lương tâm nó mới biểt quý và thương. Cháu cứ giấu nỗi vất vả bên này, được đồng nào gửi về. Có ngày"mất cả chì lẫn chài" đấy!  

    Chị ngồi nghe mà lòng dạ có chút không vui, chồng chị đâu phải loại đàn ông như thế. Chị lựa lời: 

    - Gia đình cháu vốn dân làm ruộng gốc, nên chân chất cô ạ. Chồng cháu tuy thoát ly ở thành phố nhưng vẫn hiền lành và chịu khó lắm. Cháu giữ riêng cho mình làm gì, trong khi ở nhà đang cần hơn.

    Cô Lan sẵng giọng:  

     - Nói chuyện với cháu tức như bị"bò đá", cứ chồng cháu thế này, chồng cháu thế kia. Đàn ông vắng vợ, sẵn tiền, chẳng có ai quản lý bên cạnh, có mà"thái giám" mới nằm yên. Đằng này nó chưa đến 40, tự nhiên ăn ngon, rững mỡ, đầu óc nhàn rỗi, lại lắm gái trẻ vờn, có mà nhịn được khối! Cô bảo cháu không nghe, nếu không, về một chuyến xem sao. Cứ đà này, năm nay lại rốn năm sau. Có khi về đến nơi, chồng có thêm đứa con trai riêng, rồi mới trắng mắt ra...! 

    Sau những lần chuyện trò xoay quanh đề tài tiền, chồng, rồi về hay ở lại kiểm tiền, tối chị đều mất ngủ. Giờ chị không phải ngu ngơ như thời kỳ mới sang, sống dựa vào ông chú. Chị nhìn vào hai bàn tay mình, chị biết chị sẽ còn tự kiếm được tiền. Chị sẽ cho các con ăn học đàng hoàng. Cuộc đời chị kể như đã thay đổi. Bất chợt chị nhớ lại câu nói của anh hồi ấy:"Cái gì? Mẹ mày nói cái gì? Mẹ mày cũng đòi đi kiếm tiền nuôi con ăn học? Có mà" Chó có váy lĩnh!"... Và hình ảnh mẹ chồng trong cơn tức giận, tay cầm cán chổi, vừa chạy đuổi đánh chị, vừa la hét:"Cái ngữ dâu như mày, chỉ biết ăn, đến đẻ cũng không biết, lại còn dám cãi bà...!" Nước mắt đã lâu bớt tuôn rơi, bỗng nhiên như dồn nén ở đâu, chợt vỡ oà xối xả. Chị khóc vì không biết làm cách nào vơi được nỗi ưu tư trong lòng... Tự nhiên chị linh cảm thấy những gì cô Lan tâm sự như bài giảng đầu đời trong lớp học bôn ba xứ người- những bài học từ những người đi trước có vận vào thân phận chị hay không?... Chị thiếp đi, trong mơ chị thấy các con chị đã  trưởng thành, có bằng cấp, có nghề nghiệp và rất xinh xắn. Thằng Đạt đứng cạnh bố giống nhau như hai anh em. Mấy bố con ôm hoa đang chờ đón chị ở sân bay Nội Bài...   


         Vacsava- 15/11/2014 

           Nguyễn Mai Lê

            ( Còn nữa)

Sửa lần cuối 2014-12-06 03:04:44

Bình luận

Bình luận qua Facebook